Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Một số tác phẩm Bonsai cây cảnh nổi tiếng ( Phần 2 )



“Quần lâm”

Loại cây: Tùng
Quy cách: Bồn rộng
Tác giả: Nguyễn Thế Nghĩa, Hà Nội
Quần lâm là rừng cây. Bồn cảnh theo dạng rừng cây thường chọn bồn miệng nông hình bầu dục hoặc hình chữ nhật. Bồn nông làm cho cây có vẻ cao và hùng vĩ. Bồn hình bầu dục làm cho cảnh càng sâu xa. Bồn cát miệng nông dưới đáy phải có lỗ thoát nước. Bồn đá cực nông có thể không cần lỗ thoát nước.
Nên dùng cây cùng giống, làm cho mặt bức vẽ dễ thống nhất.
Trồng cùng nhau những cây không cùng giống, tất phải lấy một giống làm chính. Số lượng và thể lượng của chúng đều chiếm ưu thế tuyệt đối. Những giống cây khác làm nền để tránh “khách to tiếng hơn chủ”. Dáng của mỗi loại cây tuy không giống nhau hoàn toàn nhưng về phong cách cơ bản thì nên giống nhau. Nếu như thân thẳng đều phải thân thẳng cả, chỉ kết hợp thẳng nghiêng trong khi trồng. Nếu như cây thân thẳng và cây thân cong trồng lẫn với nhau thì rất khó thống nhất hài hòa.
Trong tác phẩm là một cánh rừng tùng trên một sườn đồi thoai thoải gợi nhớ đến vẻ đẹp cánh rừng vùng cao nguyên Đà Lạt.

“Trực Tùng”

Loại cây: Tùng
Quy cách: Bồn sâu
Tác giả: Phương Đông, Lâm Đồng
Thân cây mọc đứng nhưng hơi to mảnh, tỷ lệ hướng ngang mảnh. Đây là dáng xoắn vặn kiểu cupressus duclouxiana Hiken chuẩn mực. Tuy vóc dáng mảnh mai nhưng tác phẩm vẫn thể hiện chất “cường và cương” vốn có của thế trực. Tán lá dạng bán nguyệt trông sinh động và tự nhiên khiến người thưởng ngoạn thấy sự hài hòa phấn đấu hướng lên phía trước.
“Trực Tùng” chịu nắng, đất trồng thoáng xốp như đất trồng sứ. Đây là loại cây có lá kim phù hợp với hình dáng của cây Bonsai thu nhỏ, thân cây xù xì.

“Đệ nhất phu thê”

Loại cây: Tùng
Quy cách: Bồn vuông
Tác giả: Nguyễn Đăng Hùng (sắt), Hà Nội
 Tác giả dùng hai thân cây cao mảnh thế trực riêng biệt song hành trong một bồn cảnh nông. Khác với hai thân quấn quýt như dáng mẫu tử, các tán lá chỉ tựa vai vào nhau nhẹ nhàng nên chủ đề bình đẳng trong quan hệ vợ chồng được đề cao rõ nét. Trong một bồn cảnh với thế trực của loại cây có lá xanh tốt quanh năm tượng trưng cho hai tấm lòng không bao giờ thay đổi. Đó là sinh tử hoạn nạn luôn có nhau dù thời cuộc đổi thay.
Tùng có dáng rất đẹp, nhưng có tuổi đời khá lớn, tốc độ sinh trưởng chậm nên người chơi phải chịu áp lực rất lớn.

“Cổ mộc”

Loại cây: Sanh
Quy cách: Bồn nông
Tác giả: Chu Mạnh Hùng, Hà Nội
Sanh có thân sát nhau dáng cứng cáp, tán dày tạo dáng một đám mây bồng bềnh. Gốc sanh bám đá chắc chắn, rễ cây mạnh mẽ phá đá vươn lên. Bồn cảnh còn có bóng dáng thấp thoáng của con người qua một ngôi đình nhỏ. Một trí sỹ ngồi ung dung ở đó ngắm mây bay. Từ một góc nhìn rộng, bồn cảnh có dáng uy nghi, hùng vĩ nhưng cũng mềm mại, uyển chuyển khúc chiết.
Cây sanh được các nghệ nhân ưa chuộng bởi nhiều nguyên nhân. Từ xưa, ông cha ta quan niệm 4 loài cây quý “Sanh, Sung, Đa, Lộc” hoặc “Đa, Sung, Sanh, Si” ứng với tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng” nên nhiều người chơi cây cảnh chọn chơi cây sanh. Sanh có gần 40 loại, điểm phân biệt giữa các loại chủ yếu là phần lá (to, nhỏ, dày, thưa…)
Dân chơi cây cảnh hay chọn loại sanh của miền Trung, nhất là ở Phú Yên bởi các loại sanh ở đây có lá nhỏ, da thân sần sùi, bắt mắt và đặc biệt mang dáng cổ thụ. Ngoài ra, nhiều người quan niệm rằng có cây sanh trong nhà, sự nghiệp làm ăn của chủ nhân sẽ luôn sinh sôi, nảy nở, giống như người ta quan niệm về lộc từ cây lộc vừng.
Sanh có thân cành dẻo dễ uốn, ưa nước, tốc độ sinh trưởng mạnh nên dễ biến thể, tạo dáng. Đặc biệt, tính kháng bệnh sâu trùng nhiệt đới rất tốt so với nhiều loài khác nên giới chơi cây rất chuộng. Tuy nhiên, việc chọn sanh khai thác từ thiên nhiên hoang da và tạo dáng để có giá trị đạt các chuẩn “mỹ - kỳ - cổ” là việc không phải dễ dàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét